Bài giảng của Đức giám mục phụ tá
Bài giảng của Đức giám mục phụ tá Tổng giáo
phận TPHCM Giuse Đỗ Mạnh Hùng trong
Thánh lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ Thánh
Tâm Chúa Giêsu TGP vào lúc 09g30 ngày 11-11-2016, tại nhà thờ giáo xứ
Tân Chí Linh, giáo hạt Chí Hòa.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Hai yếu tố nền
tảng của linh đạo Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm (GĐPTTT) là:
Cầu nguyện với tâm tình đền tạ những lỗi lầm xúc phạm đến Thánh
Tâm Chúa Giêsu. Làm việc tông đồ loan báo Tin Mừng yêu thương của Thiên
Chúa với động lực là lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa, hay nói khác là niềm
tín thác vào lòng thương xót của Chúa được bộc lộ nơi Trái tim bị
đâm thâu của Chúa Giêsu.
Bài phúc âm chúng ta vừa nghe có thể soi sáng
và giúp chúng ta xác tín về hai yếu tố nền tảng
của linh đạo GĐPTTT. Phúc âm đã kể lại những xúc phạm, nhạo
báng, chế diễu của dân chúng, các thủ lãnh, quân lính và của tên
trộm dữ đối với Chúa Giêsu lúc Chúa bị đóng đinh đau đớn trên thập
giá. Phúc âm kể rằng: Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời
cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu mình đi” Lính tráng cũng chế giễu
Người, chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân
Do-thái thì cứu lấy mình đi!" Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập
giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình
đi, và cứu cả chúng tôi với! "
Trước những lời chế diễu nhục mạ như thế,
Chúa Giêsu đã đau đớn biết bao. Con Thiên Chúa đã chịu đựng bao nhiêu đòn
vọt, sỉ nhục, đau đớn tột cùng khi bị đóng đinh vào thập giá. Ngài
đã chịu tất cả những đau đớn đó vì yêu thương, đền thay tội lỗi cho
con người. Thế mà đáp lại tình thương đó lại là những lời chế giễu,
nhục mạ. Tuy vậy, Chúa
Giêsu được an ủi biết bao trước lời bênh vực phạt tạ của người trộm
lành, chúng ta cùng nghe phúc âm thuật lại: Một trong hai tên gian phi bị
treo trên thập giá cũng nhục mạ Người, nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu
chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu
như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều
gì trái!"
Ở đây chúng ta thấy câu trả lời của người trộm
lành, có thể trở nên gương mẫu của lời cầu nguyện của GĐPTTT với hai
yếu tố: trước hết là những đau khổ cùng với những lời oán trách,
đôi lúc phản kháng lại Thiên Chúa. Trong cuộc sống, nhất là khi đi
làm công tác tông đồ, chúng ta gặp những người bất hạnh, đau khổ, đôi
lúc cùng với những bất hạnh, đau khổ đó là những người oán than
trách móc Thiên Chúa, đổ lỗi cho Thiên Chúa về những đau khổ mình
đang phải chịu mà không nhận ra mình có trách nhiệm
trong những đau khổ lỗi
lầm đó. Đau khổ vì bệnh tật của chính bản thân, đau khổ vì những hư
hỏng của con cái, đau khổ vì những xung đột với những người chung
quanh. Như vậy trong lời cầu nguyện của các thành viên GĐPTTT, chúng ta
đặt tất cả những đau khổ của mình và của người khác cùng với tâm
tình sám hối, khiêm tốn nhận ra lỗi lầm bản thân của mình ở trong
những đau khổ đó “Chúng
ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.” Sau tâm tình khiêm
tốn đón nhận những đau khổ và nhìn nhận lỗi lầm của mình, đó là
tâm tình tin tưởng phó thác như người trộm lành "Ông Giê-su ơi, khi
ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Đây là lời tuyên xưng vương
quyền của Chúa Giêsu khi mà mọi sự dường như đã sụp đổ
“khi Ngài về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.
Trong cái nhìn của người trộm lành thì cái chết nhục nhã của Chúa
Giêsu trên thập giá không phải là một dấu chấm hết, anh vẫn tin có
ngày Ngài sẽ đến trong nước của Ngài và anh hy vọng mình sẽ được
dự phần vào ngày đó. Chúa Giêsu đã ban một ơn trọng đại vượt quá
lòng mong ước “Ngay hôm nay, ngươi sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta."
Thật là hạnh phúc biết bao, hạnh phúc vĩnh
cửu, người trộm lành là người đầu tiên được hứa ban ơn cứu độ và
được hưởng ngay ơn cứu độ của Chúa Giêsu do lòng thương xót của Ngài.
Kính thưa cộng đoàn, dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng
ta có thể xác tín về linh đạo của GĐPTTT của chúng ta đạt tới ơn cứu độ ngay lập tức, ngay hôm nay như
người trộm lành không hệ tại ở những công việc làm hoành tráng vĩ
đại của chúng ta, nhưng chính là tâm tình phạt tạ, nhìn nhận lỗi lầm
của mình và phó thác tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa.
Sau yếu tố nền tảng là việc cầu nguyện, yếu
tố thứ hai trong linh đạo của chúng ta là việc tông đồ mang tình yêu
của Thiên Chúa đến cho người khác, đặc biệt những người đau khổ,
nhất là biết kết chặt chẽ với Thánh Tâm Chúa Giêsu, sống đức tin
công giáo trong môi trường xã hội và gia đình nhằm ngăn ngừa hạn chế
thói hư tật xấu những tệ nạn xã hội.
Thế nhưng trở lại việc tông đồ có thành công
hay không là do lời cầu nguyện.
Cho tới đây, tôi nhớ lại câu chuyện do Đức cha
Fulton Sheen thuật lại về hiệu quả của việc tông đồ nhờ lời cầu
nguyện: Có một người đàn ông đang chờ chết trong bệnh viện. Ông đã bỏ đạo 30
năm. Chẳng những thế, ông còn dùng sách vở, báo chí đầu độc nhiều người nhất là
giới trẻ, ông ta còn phê bình, chửi bới Thiên Chúa, Giáo Hội, làm cho
những người đọc những tài liệu này đôi lúc mất lòng tin như ông. Đã có
20 linh mục đến thăm và mời ông trở về với Chúa, nhưng đã bị bị ông khước từ và xua đuổi.
Đức Cha Fulton Sheen là người sau cùng đến thăm ông, nhưng
không phải chỉ đến thăm một lần mà tới 40 lần. Và đến lần 40, ngài mới đem việc
linh hồn ra bàn với ông:
Này ông, có lẽ đêm nay ông sẽ vĩnh viễn ra đi…
Vâng, tôi biết.
Tôi tin chắc ông muốn làm hoà lại với Thiên Chúa.
Ông ta trả lời: Tôi không bao giờ làm hoà với Chúa.
Ông hãy về đi.
Đức cha lại tiếp tục với lòng kiên nhẫn: Ông thông cảm, tôi không đến đây một mình.
Ông ta hỏi: Vậy ông đến với ai?
Đức cha nói : Tôi đến với Chúa Giêsu. Tôi tin
chắc, ông không đuổi Chúa đi.
Ông ta làm thinh. Đức Cha quỳ xuống bên giường ông, thầm
thĩ cầu nguyện một lúc rồi nài nỉ: Tôi
tin chắc ông muốn làm hoà lại với Chúa.
Vẫn bị khước từ. Đức Cha lại năn nỉ: Tôi chỉ xin ông một điều: Ông hãy hứa với
tôi: đêm nay, ít là một lần ông hãy nói với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin
thương xót con”.
Ông ta cương quyết:
Ông hãy cút đi. Tôi sẽ không bao
giờ nói câu nói đó.
Vị Giám Mục lủi thủi ra về. Nhưng trước khi ra về,
ngài dặn cô y tá: Bất cứ lúc nào ông ta
cần, cô làm ơn báo ngay cho tôi biết.
Suốt buổi tối hôm đó, Đức Cha đã cầu nguyện
rất nhiều cho người đàn ông này.
Khoảng 4 giờ sáng, cô y tá gọi điện thoại cho Đức Cha
biết ông ta vừa qua đời. Nhưng trước khi chết, ông ta cứ lặp đi lặp lại câu
nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”.
Kính thưa cộng đoàn, “Chính ơn Chúa mới là sức mạnh
hoán cải tâm hồn con người. Chính Chúa mới là Đấng thực hiện phép lạ, lời
cầu nguyện của chúng ta như một chiếc máng, một phương tiện để
chuyển tông ơn Chúa đến với tâm hồn con người.”
Như thế, trong Thánh lễ mừng Đức Giêsu Kitô Vua
Vũ Trụ hôm nay, chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho tất cả GĐPTTT được xác
tín rằng: lời cầu nguyện với tâm tình phạt tạ thống hối vì những
lỗi lầm của chúng ta và của người khác đang xúc phạm đến Chúa, đó
là nền tảng của công việc tông đồ mang tình thương ơn cứu độ đến cho
người khác.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng dâng lên
Chúa những đau khổ, thử thách của từng người, của gia đình, của cộng
đoàn chúng ta. Xin tình yêu của Chúa Giêsu chữa lành tất cả những
vết thương ấy. Amen.
Đinh Văn Phượng lược ghi
Nhận xét
Đăng nhận xét