Kính trọng thể Trái tim của Đức Kitô
Nhằm
chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để mừng trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa
Giêsu, bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, linh mục Phêrô Nguyễn
Đình Phương, dòng Đaminh đã giảng tĩnh tâm cho các đoàn viên
GĐPTTT xứ đoàn Tân Thành trong Thánh
lễ lúc 17 giờ 30 ngày 02/6/2016, tại nhà thờ giáo xứ Tân Thành. Chủ đề: “Kính trọng thể Trái tim của Đức
Kitô”.
Nội dung bài giảng
Suy niệm và nhìn lại mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa
dành cho nhân loại, đó là Trái tim của Đức Kitô. Nếu nói đơn thuần
như ngôn ngữ Việt Nam, có lẽ không áp phê cho mấy. Nếu chúng ta thường
nói với nhau rằng: người phương tây hay dùng cái đầu để đưa ra quyết
định, thì với người á đông lại dùng con tim để đưa ra quyết định
cuối cùng. Xem chừng hai tư tưởng này có vẻ không giống nhau, cũng có
thể nói đôi khi đối nghịch nhau. Nhưng trong sự đối nghịch ấy, Thiên
Chúa lại mở ra một hướng để giúp cho con người vượt qua những cái
giới hạn gọi là khác nhau kia, để có thể tìm một mục đích chung,
cụ thể trong bài Tin Mừng ngày hôm nay gợi ý cho chúng ta: ‘Ngươi phải
yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, hết trí lực, hết tinh thần, hết trí
khôn ngươi” và điều thứ hai để nối tiếp, không dừng lại ở việc tôn
thờ Thiên Chúa nhưng còn yêu thương người thân cận “Hãy yêu thương đồng
loại như chính bản thân mình.”
Thưa cộng đoàn, trong tuần lễ này chúng ta có hai
ngày lễ mừng kính Trái tim hay Thánh Tâm. Ngày thứ sáu là kính
trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu và ngày thứ bảy kính Trái tim cực
sạch Đức Maria. Xem chừng hai lễ này không cân xứng, bởi lễ kính
Thánh Tâm Chúa Giêsu là bậc lễ trọng, trong khi đó lễ kính Trái tim
Đức Maria lại là lễ kính. Có vẻ một bên trọng, một bên khinh, cũng
có vẻ như chúng ta thường chạy đến với Đức Mẹ hơn là chạy đến với
Đức Giêsu, bởi vì qua Mẹ dễ được chuyển cầu hơn, qua Mẹ dễ được ơn
hơn, kinh nghiệm của chúng ta thấy rằng: xin mẹ dễ hơn xin bố. Điều
này có lẽ là thực tại trong cuộc đời của chúng ta, điều đó vẫn diễn
ra hằng ngày.
Một cách khác và riêng trong năm nay, chúng ta lại
thấy một yếu tố khác lồng vào trong ý nghĩa của ngày lễ này là “kính
lòng Chúa thương xót”. Đức Thánh Cha Phanxico mở Năm Thánh Lòng Thương
Xót ngoại thường, để mời gọi tất cả chúng ta nhìn về một điểm quy
chiếu, đó là “Lòng Thương Xót”.
Khi nói đến lịch sử của hai Thánh lễ này, chúng ta
thấy có những điểm tương đồng với nhau. Trước hết nếu xét về lịch
sử, chúng ta thấy lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có từ khoảng thế kỷ
XVII qua Thánh nữ Magarita. Trong thời gian đó, thế giới bắt đầu bước
qua một giai đoạn mới: “giai đoạn phục hưng”. Giai đoạn này các nền
văn minh của thế giới bắt đầu phát triển, chính trong sự phát triển
ấy, con người ta đối diện với những thứ được gọi là phi luân lý.
Thánh nữ Magarita mời gọi chúng ta quy hướng về Trái Tim của Đức
Giêsu được khởi hứng từ Tin Mừng Matthew 19,4: “Một người lính lấy
đòng đâm thâu cạnh sườn Đức Giêsu”. Khởi đi từ đoạn Tin Mừng đó,
chúng ta thấy Thánh nữ Magarita mời gọi chúng ta nhìn vào tận thẩm
sâu trong Trái Tim của Đức Giêsu, nơi đó là nguồn mạch phát sinh ra ân
sủng của Thiên Chúa một cách tràn trề, đồng thời là dấu chứng biểu
hiện rõ nét nhất sự mạc khải của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Mạc
khải đấy luôn luôn quay vần trong cuộc đời của Đức Giêsu với hai chữ “tình
yêu”. Cuộc đời của Đức Giêsu từ lời nói, hành động cho đến tất cả
những gì gọi là thuộc về Ngài đều muốn nói đến một thông điệp, đó
là tình yêu. Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho chúng ta thấy hai
khía cạnh của tình yêu rất rõ rệt: tình yêu mà con người thường
dành cho nhau, thường có xu hướng quy chiếu về bản thân mình. Với tình
yêu của Thiên Chúa thì Ngài không quy chiếu về bản thân Ngài mà mở
rộng cho con người. Hai thái cực này thường đan xen trong con người của
mỗi người chúng ta, đồng thời chính hai khía cạnh này có những lúc
nó xung khắc, có lẽ tiếng gọi về khía cạnh ích kỷ, cái tôi của
mình mạnh hơn tiếng gọi tình yêu mở ra. Chính trong ý nghĩa của Trái
tim Đức Giêsu, Thánh Tâm của Ngài là nơi từ đó nước và máu chảy ra
để cho nhân loại được sống.
Thánh giáo phụ Irênê nhấn mạnh: con người được sinh
ra, nhưng chính trong sự tội của con người, Thiên Chúa lại trích lấy
những gì là thánh thiện nhất. Trong cái gọi là cùng cực của bóng
đêm tội lỗi, Chúa lại cho từ trong đó nổi lên ánh sáng thánh thiện
của Ngài. Qua đó, Thánh Irênê mở cho chúng ta thấy một công thức:
“Thiên Chúa xuống thế làm người để con người được làm Thiên Chúa như
Thiên Chúa làm người”. Ánh sáng đó một lần nữa được dọi chiếu trong
chính hình ảnh một kẻ tử tội bị chết treo trên thập giá. Nhưng
chính khi bị treo, Thiên Chúa đã làm một việc lạ lùng là cho nước
và máu tuôn chảy ra cho nhân loại. Chính từ đó, nguồn mạch ân sủng đặc
biệt qua bảy bí tích ân sủng của Ngài chảy tràn trong tâm hồn của
mỗi người chúng ta khi lãnh nhận các bí tích đó.
Khi nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt trong Năm
Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi để suy niệm về biến cố
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Biến cố đó được thánh nữ
Faustina qua thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II mời gọi chúng ta nhìn lại vào trong
hình ảnh của một Thiên Chúa. Qua bức tranh Lòng Chúa Thương Xót,
chúng ta thấy rất rõ hai tia sáng từ
cạnh sườn của Đức Kitô chiếu xuống: một ánh sáng màu đỏ, một
ánh sáng màu trắng. Hai ánh sáng này: một biểu trưng cho máu, đó là
Bí tích Thánh Thể; một ánh sáng màu trắng biểu trưng cho nước, đó
chính là Bí tích rửa tội. Từ cạnh sườn của Đức Giêsu, chúng ta
được mời gọi tháp nhập vào trong chính hy tế của Người như trong bài
đọc Tin Mừng chúng ta vừa nghe: khi
Đức Giêsu hỏi người kinh sư về việc trở nên phương thế được sống muôn
đời, thì câu trả lời của ông rằng: điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ
là kính sợ Thiên Chúa. Ông nhắc lại điều này không phải là mới, mà
ông nhắc lại trong sách khôn ngoan đã được các tiền nhân nói với ông. Ông
đã được huấn luyện, nhắc nhở trong cuộc đời của ông: “Kính sợ Thiên
Chúa là đầu mối khôn ngoan”. Chính trong sự khôn ngoan là sự chọn lựa
về Thiên Chúa, khi chọn lựa về Thiên Chúa tức chúng ta chọn con đường
tình yêu để mở ra cho người khác, chứ không phải là quy chiếu ngược
lại bản thân mình. Như vậy, với hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót, một
lần nữa thúc dục chúng ta hãy biết mở toang cánh cửa tâm hồn, mở
toang cánh cửa con tim của mình để đến với anh chị em. Đây là điều
khác biệt với điều răn mà Thiên Chúa trao cho dân Do Thái trong thời
cựu ước, đó là: “Ngươi chỉ yêu người thân cận”, tức là những người
cùng huyết thống. Nhưng với điều răn mới của Đức Kitô, của Thiên Chúa
thì ngươi không chỉ yêu những người thân cận mà yêu ngay cả chính kẻ
thù của ngươi nữa, đó mới là tình yêu mở ra. Theo Đức nguyên Giáo
Hoàng Bênêđictô XVI: tình yêu không chỉ giới hạn trong
một đối tượng, một gia đình, nhưng là mở ra cho toàn thể những ai
chúng ta đến với họ và những ai chạy đến với chúng ta.
Trong ý nghĩa của lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng
Chúa Thương Xót, chúng ta thấy có những điểm chung ở chỗ khởi đi bắt
đầu từ con tim. Thế nhưng, Thánh nữ Magarita sống trước Thánh nữ
Faustina ba thế kỷ, cách thức có phần khác nhau, nhưng tựu chung vẫn
quy chiếu về một điểm là tôn kính Đức Giêsu trong chính tình yêu mà
Ngài ban cho nhân loại. Khởi đi cũng chính từ trái tim đó thật gần
với người á đông, khi chúng ta đối diện với những công việc hay cuộc
sống hằng ngày. Trái tim là biểu trưng cho tình yêu, hai người đến
với nhau cũng phát xuất bởi tình yêu, chỉ có tình yêu mới hàn gắn
được chúng ta mãi mãi. Ở đó, trong tình yêu đó, Thiên Chúa qua hình
ảnh Trái tim đã thiết lập một Giáo hội trong chính bí tích của
Ngài, đó là: “Nhiệm thể một thân thể duy nhất”. Nhiệm thể đó, chúng
ta là những chi thể, Đức Kitô là đầu. Một hình ảnh khác nữa chúng
ta vẫn được nghe, đó là: hình ảnh cây nho và cành nho. Một hình ảnh nữa
cũng diễn tả mối tương quan này một cách thật cần thiết, gần với
chúng ta, đó là “Đức Kitô là mục tử, chúng ta là đoàn chiên”. Một
sự gắn kết chúng ta trong mối tương quan đó đẩy lên một cao trào đến
mức độ chảy tràn trong chính giá máu của con Thiên Chúa. Mặt khác,
Đức Thánh Cha Phanxico nói trong ngày Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương
Xót vào chúa nhật thứ II Phục sinh vừa qua: “Thiên Chúa không bao giờ
chối từ chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta, dù chúng ta
có biết bao nhiêu lần phản bội Ngài”. Thế nhưng, Lòng Thương Xót của Thiên
Chúa luôn luôn chảy tràn và luôn luôn hiện diện với mỗi người chúng
ta, nếu như chúng ta chỉ cần một thái độ rất nhỏ là hồi tâm. Thái độ đó xem chừng rất
dễ, nhưng trong cuộc sống xô bồ ngày hôm nay, có bao giờ chúng ta thử ngồi
suy gẫm lại, thử một ngày bỏ ra một phút đồng hồ thật tĩnh lặng
để nhìn lại cuộc đời của mình hay chưa. Đó là một thách đố với
một cuộc sống vần vũ luôn luôn xao động, ồn ào như thế này, chúng ta
hiếm khi có thời gian để tĩnh lặng, nhìn sâu lại con người của mình.
Chúng ta dành thời gian để nhìn lại, tức chúng ta nhìn lại hành
trình ơn gọi làm người của chúng ta. Qua hai hình ảnh Thánh Tâm Chúa
Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót cho chúng ta thấy hai khía cạnh rất
hiện hữu, đó là: “Trái tim”. Bức ảnh kính Thánh Tâm Chúa Giêsu miêu
tả một trái tim với ngọn lửa rực cháy và vòng gai xung quanh. Điều
đó cho ta thấy rằng: nhiều khi chúng ta bóp nghẹt trái tim đầy yêu
thương của Thiên Chúa luôn rực lửa cháy bỏng cái tình yêu ban cho nhân
loại. Thế nhưng ngay từ đầu và sau này, chính trong sự tội lụy của
chúng ta, chúng ta bóp nghẹt Trái Tim đó. Hình ảnh kính Lòng Chúa
Thương Xót, chúng ta thấy hai tia sáng không phát xuất bởi và từ Trái
Tim của Đức Kitô mà từ cạnh sườn đã bị đâm thâu. Hai tia sáng hay hai
nguồn mạch sự sống biểu trưng cho chúng ta thấy sự tái sinh mới trong
Đức Kitô. Sự tái sinh thứ nhất là Bí tích Rửa tội. Nếu như ngày xưa
Ađam và Evà đã chấp thuận hay vâng lời sự dữ để rồi chính trong sự
vâng lời ấy, sự dữ đã lan tràn, bao phủ lấy con người và án phạt
đó là con người phải chết, thì cũng chính trong mạch nước, cụ thể
ở đây là cạnh sườn của Đức Giêsu, con người được tái sinh bởi trong
chính sự chết. Sự chết của con người bởi và trong tội lỗi của họ. Cách
khác, Bí tích Thánh Thể không chỉ dừng lại ở chỗ làm cho chúng ta
sống và tái sinh trong thần khí của Thiên Chúa. Chính trong Bí tích
Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng
một cách đặc biệt hơn, mỗi người chúng ta là tư tế. Mỗi người đang
tham dự Thánh lễ ngày hôm nay hay trong bất kỳ Thánh lễ nào, chúng ta
đang trở nên tư tế đồng hình động dạng với tư tế duy nhất là Đức
Kitô. Nhưng chính trong sự kết hợp vai trò tư tế đó, chúng ta lại còn
là hy lễ để qua Đức Giêsu chúng ta trở nên hy lễ xứng đáng. Nếu không
qua Đức Giêsu, chúng ta sẽ không thể và không bao giờ trở nên xứng
đáng trước mặt Thiên Chúa. Như vậy, chỉ khi và chỉ qua tư tế duy nhất
là Đức Giêsu và trong sự kết hiệp vai trò tư tế đó, chúng ta trở nên
hy tế mà người xứng đang để đưa hy tế mỗi người chúng ta lên cho Thiên
Chúa chỉ có một mình Đức Kitô thôi. Như vậy, chính trong bí tích
Thánh Thể chúng ta được mời gọi tháp nhập vào trong hy tế của Đức
Kitô. Cũng từ đó chúng ta được trở nên nghĩa thiết với con một của
Thiên Chúa và như Đức Giêsu đã từng khẳng định: “Thầy sẽ không còn
gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng gọi anh em là bạn hữu của Thầy”. Bạn
hữu của Thầy là đồng hình động dạng với Thầy trong ân sủng và đồng
thời đồng nghĩa với Thầy trở nên con của Thiên Chúa, ngang hàng với Đức Kitô trong ân sủng của
chính Đức Kitô. Chỉ có như thế chúng ta mới đón nhận được ân
sủng của Ngài.
Thưa cộng đoàn, Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót không
dừng lại ở chỗ mời gọi chúng ta suy niệm về Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa ban cho nhân loại. Nhưng với hình ảnh Trái Tim cực Thánh
Đức Giêsu, chúng ta làm cho trái tim đó bị bóp nghẹt, chúng ta được
mời gọi hãy mở ra, hãy giải thoát trái tim đó, để rồi chính trong
sự giải thoát đó, chúng ta mới có đủ và dư tràn được lửa của lòng
mến. Tình yêu của Thiên Chúa đi đôi với hành động, tình yêu của Ngài
luôn phủ lấp trong con người của chúng ta, nếu chúng ta giải thoát
khỏi ách xích xiềng nô lệ tội lỗi. Nếu không, mãi chúng ta có ngọn
lửa, lòng mến đấy nhưng nó bị bóp nghẹt giống như dụ ngôn người gieo
giống. Người gieo giống ra đi gieo hạt lúa, hạt rơi trên vệ đường, hạt
rơi bụi gai, hạt rơi ở đá sỏi và cũng có hạt rơi vào đất tốt. Nếu
chúng ta chỉ dừng lại và chỉ quy chiếu về tình yêu ích kỷ của bản
thân, tức chúng ta đang bóp nghẹt Trái tim của Đức Kitô, trái tim chảy
tràn máu và lửa để cho chúng ta được sống. Hình ảnh cây lúa bị bóp
nghẹt, hạt giống Tin Mừng bị xiết chặt bởi những vòng gai, những
bụi gai, hoặc nẩy mầm trong khe đá, bên vệ đường. Tất cả những thứ
đó nó sẽ trở thành vô vị trong cuộc đời của chúng ta. Niềm tin của
chúng ta sẽ bị lung lay, không đâm sâu được, coi chừng có những lúc
niềm tin của chúng ta trở thành một thứ trang trí cho cuộc đời của
mình, để cho nó đẹp hơn với người khác, sắc mắc hơn với người xung
quanh và thứ niềm tin đó sẽ trở thành một thứ không có giá trị
trong cuộc đời tìm kiếm nước trời của chúng ta.
Ước mong rằng, trong những giây phút của cuộc đời,
chúng ta được mời gọi để trở nên một trong Đức Kitô, ở đây là trong
trái Tim cực Thánh của Ngài, cũng chính trong Trái Tim đó chúng ta
được yêu thương hơn, được Thiên Chúa vỗ về hơn bao giờ hết, và hơn hết
tất cả là được Thiên Chúa ấp ủ và hướng dẫn. Xin cho mỗi người
chúng ta luôn ý thức những điều đó trong mọi khoảng khắc, mọi cảnh huống
của cuộc đời, để rồi khi chúng ta đối diện với những khó khăn những
thử thách, chúng ta luôn luôn được Thiên Chúa đỡ nâng trong chính ân
sủng qua các bí tích của Ngài. Đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, qua
đó chúng ta được mời gọi sống và thi hành làm chứng, làm muối,
cũng như ánh sáng minh chứng cho Đức Kitô ngay cuộc sống trần gian mà
chúng ta đang sống, để rồi chính sự chuẩn bị đó khi lìa đời, chúng
ta xứng đáng được trở nên con Thiên Chúa trong ánh vinh quang, đồng
thời hưởng vinh phúc thiên đàng vĩnh cửu của mỗi người chúng ta. Amen.
Nhận xét
Đăng nhận xét