Ơn gọi và Sứ vụ


Vào lúc 08 giờ 30 ngày 08/10/2015, tại hội trường giáo xứ Vườn Xoài, Cha Gioakim Nguyễn Văn San, chánh xứ giáo xứ Thánh Cẩm và là linh hướng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giê-Su (GDPTTT) giáo hạt Thủ Thiêm đã chia sẻ về “Ơn gọi và Sứ vụ của người giáo dân”. Ngài đã dựa vào Tông huấn “Ơn gọi và Sứ vụ của người giáo dân” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II , cũng là tài liệu học tập của GDPTTT.
Ngài chia sẻ: Đức Giáo Hoàng đã lấy Lời Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành nho” trong Phúc Âm của Thánh Gioan làm nền tảng cho Tông huấn. Chúng ta là những người thợ được mời vào làm vườn nho (trong Hội Thánh của Chúa), sứ vụ của chúng ta là trong GDPTTT. Linh đạo của GDPTTT là Trái Tim Chúa Giê-Su, chúng ta làm tong đồ trong tình yêu của Trái Tim Chúa Giê-Su để giúp cho chúng ta nên thánh.
Ơn gọi làm người
Sách Sáng Thế nói: Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tiên tri I-sai-a ca lên “Thiên Chúa là Đấng Thánh, thánh ngàn trùng chí thánh”, sau kinh tiền tụng cộng đoàn hô: “Thánh – Thánh – Thánh”, cho nên con người cũng là hình ảnh “Thánh” của Thiên Chúa. Trước khi con người sa ngã, con người được ơn gọi của Chúa là không phải chết.
Một cách cụ thể: Chúa dùng bùn đất để nặn nên hình người, thổi hơi vào (thổi hồn vào) tạo thành con người (gọi là A - đam). Sau đó,  khi ông A-dong ngủ, Chúa lấy cặp xương sườn của ông tạo ra một người nữ. Khi ngủ dậy, A-Dong thấy một người phụ nữ bên cạnh, đã nói: “Đây là xương tôi, là thịt tôi” (gọi là E-va). Chúa nói: người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mà luyến ái với người vợ của mình, cả hai nên một huyết nhục. Chúa phán với A-đam: hãy sinh xôi nẩy nở tràn đầy mặt đất… Hãy làm chủ chim trời, cá biển. Qua đây cho thấy: Chúa cho A-đam và E-va cùng con cháu được cộng tác với Chúa trong công trình tạo nên con người.
Ơn gọi làm con Chúa
A-đam và E-va đã làm hỏng công trình của Thiên Chúa. Chúa phán với con rắn : ngươi phải đi bằng bụng, cạp đất mà ăn, tìm cách cạp gót chân một người nữ (Đức Maria), người nữ đó sẽ đạp nát đầu mi. Chúa phán với E-va : ngươi phải mang nặng đẻ đau. Chúa phán với A-đam : ngươi phải cày đất mà ăn, phải chết và trở về tro bụi:  vì ngươi từ bụi tro, nên ngươi sẽ trở về tro bụi.
Chúng ta phải khẳng định: Thiên Chúa không có nhị nguyên, Thiên Chúa chỉ dựng nên sự tốt lành. Ma quỷ (hiện thân là con rắn) gieo sự tội vào thế gian, làm cho con người hư đi, phải chết ở trong tội. Chính vì thế, Chúa lập chương trình mới (chương trình cứu độ).
Khởi đầu chương trình cứu độ, Chúa chọn Áp-ra-ham (vì ông ta có lòng tin vào Chúa) và ông đã đi theo Chúa, Người phán: “Ta sẽ cho ngươi thành một tổ phụ như sao trên trời, như cát dưới biển”. Chúa đã thử thách long tin của ông khi I-sa-ác (con trai duy nhất của ông) lên 08 tuổi (Thánh Phaolo nói: Áp-ra-ham là cha của kẻ tin). Từ đó,  Chúa lấy dân Do Thái mà mặc khải ơn cứu độ,  như tiên tri I-sai-a nói về Đấng cứu thế: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và gọi tên là Em-ma-nu-en”; ba nhà đạo sĩ phương đông ở ba nước khác nhau (chuyên nghiên cứu về vũ trụ, sao, chiêm tinh) đi tìm Chúa Giê-su mới sinh ra khi thấy một ngôi sao lạ xuất hiện, tìm được sách của ngôn sứ Mikêa cho biết: “Và ngươi hỡi Bêlem xứ Giuđêa, ngươi không phải là một thành trì nhỏ bé, bởi vì từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị nhà Israel.” Nhờ đó các nhà chiêm tinh biết vua Do Thái sinh ra ở Belem.
Đến thời viên mãn, thời cựu ước chấm dứt, chuyển qua thời mới, Đức Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ, chúng ta phải theo Lời Chúa dậy. Lời Chúa là chính Đức Ki-tô, sinh ra làm người có cha có mẹ (Thánh Giuse và Đức Maria).
Sứ vụ của chúng ta
Cha đã sử dụng bài Tin Mừng của Thánh Matthew để diễn tả Sứ vụ của chúng ta.
"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng." Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? " Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! " Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất." Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt." Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? " (Matthew 20,1-15)
Bài Tin Mừng có ý nói: Vườn Nho là Hội Thánh Chúa được lập trên 12 hòn đá tảng là 12 tông đồ, Chúa không phân biệt người vào Hội Thánh Chúa trước hay vào sau, vì trước mặt Chúa là như nhau, người được rửa tội lúc sơ sinh, lúc lớn, hay sắp qua đời đều như nhau.
Chúng ta đã được ơn gọi làm con Chúa,  được thánh hiến trong Bí tích Rửa tội, được gọi là “thánh”. Chúng ta là những cành nho được tháp nhập vào than cây nho. Thân cây nho được ví là Đức Ki-tô “Ta là thân cây nho, các con là cành nho”. Để cho cây nho sinh nhiều hoa trái cần phải cắt tỉa. Như thế chúng ta cũng cần phải cắt tỉa trong tòa Hòa giải, Đức Giáo Hoàng Phanxico nói: “Chúng ta hãy để tội nơi tòa giải tội”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói: “Tương lai của Giáo hội ở gia đình” mà gia đình là tế bào của Giáo hội, Thánh Phaolo nói: “chúng ta là thân thể của Đức Ki-tô”, như thế chúng ta được tháp nhập vào Đức Ki-tô và nhờ Mình Máu Thánh Chúa nuôi sống chúng ta. Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm nói: “Khi chúng ta rước Đức Ki-tô, thì Máu và Thịt của Đức Ki-tô hòa vào với máu và thịt của chúng ta.” Thánh Phaolo nói: “Tôi sống không phải là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” Bàn thờ được cung hiến (được Đức giám mục xức dầu), khi dâng lễ thì bàn thờ là Thân Mình Đức Ki-tô.

Như thế, chúng ta phải làm việc cho Chúa, được tham dự vào 03 sứ vụ: ngôn sứ (loan báo Tin Mừng), tư tế (tư tế cộng đồng, tư thế thừa tác), vương giả (ở trong vương quốc của Đức Ki-tô). Ngoài ra, là đoàn viên GDPTTT, chúng ta có sứ vụ tong đồ trong GDPTTT,  đây là ơn của Chúa, qua đó thánh hóa bản thân và gia đình, cho chúng ta được nên thánh, tức đạt đến trọn lành của đức ái, sự yêu mến: “chúng ta được kêu gọi để nên thánh” (trích tong huấn), phải nên thánh trong mọi tác phong của mình. Giáo hội trong Đức Ki-tô là mầu nhiệm, vì thế Giáo hội phải được xem như là dấu chỉ để cho các tín hữu được gia nhập và làm phương tiện để nên sự thánh thiện.
Cuối cùng, Cha Gioakim ban phép lành để kết thúc chia sẻ chuyên đề lúc 10 giơ 30●



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GĐPTTTCG TGP sinh hoạt thường kỳ tháng 07-2019

Sinh hoạt BCH GĐPTTTCG TGP TPHCM

Sinh hoạt BCH GĐPTTTCG Việt Nam (24-10-2018)