Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu với Tân Phúc Âm Hoá Gia Đình

Từng  thành viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu cương quyết nên giống Chúa Giêsu trong đời sống gia đình.
Trên đây là kết luận của Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Phó tổng linh hướng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) Tổng Giáo phận TP.HCM (TGP) trong bài chia sẻ cho hơn 200 đoàn viên GĐPTTTCG TGP về Tân Phúc Âm Hoá đời sống Gia Đình của các thành viên GĐPTTTCG, vào lúc 08 giờ 30 ngày 13/02/2014, tại nhà thờ Giáo xứ Vườn Xoài, giáo hạt Tân Định.


Trước tiên, Cha Vinh Sơn kể lại việc ngài đã chọn đề tài tốt nghiệp khi đi du học: “Tết nguyên đán trong phụng vụ công giáo tại Việt Nam.” để nói đến Gia đình trong truyền thống dân tộc Việt Nam.
Tết nguyên đán là một lễ hội gia đình, là lễ của mọi người Việt Nam, có đạo hay không có đạo, đạo này hay đạo kia, tất cả chúng ta đều mừng, là dịp người ta sống bầu khí gia đình, người người dù ở rất xa cũng quay về sống với gia đình, vì ít nhất chúng ta có 3 ngày tết. Vì lý do nào đó mà không trở về nhà được, đó là nỗi đau đớn, khổ lắm. Chính vì thế, gia đình có giá trị rất lớn đối với người Việt Nam, nền văn hoá Việt Nam được đặt trên nền tảng gia đình, và  tâm hồn của người Việt Nam rất gắn bó với gia đình..
Nếu quan sát, ta thấy trong năm không có lễ hội nào lớn bằng lễ hội tết nguyên đán của người Việt Nam. Về phương diện quốc gia, lễ Quốc khánh là lễ lớn nhất nhưng chưa lớn bằng tết nguyên đán. Lễ phục sinh, Giáng sinh, Phật đản là những lễ lớn nhất về tôn giáo, nhưng làm gì to bằng tết nguyên đán. Lễ Quốc khánh, Phục sinh, Giáng sinh, Phật đản đều quy hướng về mục đích nào đó của quốc gia hay tôn giáo, nhưng nó không phãi là lễ của mọi người Việt Nam.
Cha Vinh Sơn tâm sự: Đi du học ở nước ngoài, Tôi rất tự hào là người Việt Nam, không có nước nào có đời ống gia đình như Việt Nam, người mẹ lúc nào cũng nhớ, quan tâm tới con cái. Mẹ của Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ nói: “Con ạ! dù con là linh mục, nhưng con vẫn là con, làm sao mà mẹ quên con được.”
Nói đến GĐPTTTCS là nói đến Thánh Tâm Chúa, nơi Trái Tim bị đâm thâu, có nước và máu chảy ra, đó là Trái Tim đã hy sinh tột cùng cho chúng ta. Vì thế mỗi thành viên của chúng ta được mời gọi sống nhẫn nại và hy sinh.
Sống nhẫn nại và hy sinh không phải là vấn đề của cải, mà là cuộc sống của chúng ta hằng ngày, cha mẹ và con cái hy sinh cho nhau. Mỗi gia đình, mỗi người một hoàn cảnh, vợ chồng chịu đựng lẫn nhau, cha mẹ chịu đựng con cái. Sự nhịn nhục và hy sinh của chúng ta không phải là sự nghiệt ngã, cắn răng chịu vậy, mà là phương thế để chúng ta nên thánh.
Một trong những nguyên nhân làm tan vỡ gia đình là không biết nhịn nhục và hy sinh cho nhau, rõ nhất là hơn kém nhau về Tiền bạc. Trên báo chí, đài truyền hình phản ảnh nhan nhản anh chị em trong gia đình tranh chấp với nhau về đất đai, nhà cửa … thậm chí đưa nhau ra toà, chém giết lẫn nhau, hết tình nghĩa anh em. Nó đã trở thành cản trở lớn lao làm tan nát gia đình chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta thấy được sự nhịn nhục và hy sinh là phương thế để chúng ta nên thánh. Nếu gặp, chúng ta đón nhận trong tình yêu thương, biến đổi gia đình chúng ta nên một gia đình hoà khí, gắn bó, đón nhẫn lẫn nhau, trở nên một gia đình thánh thiện gương mẫu. Đừng bao giờ bảo “cắn răng chịu vậy”.
Trong gia đình có nhiều thành phần, bao gồm: ông bà, cha mẹ, con cái. Do vậy, trong cuộc sống gia đình, chúng ta có mối liên hệ lẫn nhau giữa người này với người kia, có trách nhiệm liên đới với nhau. Ở Việt Nam, trách nhiệm của cha mẹ lo cho con cái rất lớn. Thí dụ: sinh con ra phải lo cho ăn, ở, học hành để cho con cái có khả năng tiến thân, có trường hợp phải mượn tiền xã hội đen đóng tiền học cho con. Tình thương của cha mẹ dành cho con cái rất lớn lao, con đau thì bố mẹ đau trước con. Trái lại, con cái có thương lại cha mẹ cùng tỷ lệ như vậy không? hay khi con cái thành tài rồi, nó vô ơn và phụ lòng cha mẹ. Mặc dù thế nào, cha mẹ vẫn làm, vì chúng ta đang làm tròn trách nhiệm của cha mẹ, vì thương mới làm thế.
Các thành viên GĐPTTTCS, hãy nhìn lên Thánh giá của Chúa, suy ngẫm xem có khi nào trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, Ngài làm cho người mù được thấy, kẻ què đi được, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại, Chúa lại nói: ta làm cho ngươi như vậy, mai mốt nhớ biết ơn ta nghe con. Không khi nào, thậm chí Người còn cấm không được nói, rêu rao lên. Thật phũ phàng, chính những kẻ chịu ơn của Chúa, khi ra trước toà án của Philatô, lại nghe theo những luật sĩ và người biệt phái, la lên; “Đóng đinh nó vào thập giá. Đóng đinh nó vào thập giá.” Giuđa Itcariốt, kẻ được Chúa tuyển chọn, sống với Chúa được ba năm, lại bán Chúa.
Chúa không tính toán, mà còn tha cho những kẻ giết mình. Chúa còn là luật sư bảo vệ cho kẻ giết mình, khi trên thập giá, Người xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết.”
Chúng ta không chỉ có đức công bằng, mà còn có đức yêu thương. Nếu trong cuộc sống mà luôn luôn đòi công bằng, thì trong gia đình của chúng ta loạn lạc, hòn đất ném đi hòn chì ném lại, như trong cựu ước: bẻ một răng thì bẻ lại một răng, móc một mắt thì móc lại một mắt, một trả một… Nhưng Chúa lại bảo không được thế, Phải yêu chính kẻ thù của mình. Mohandas Karamchand Gandhi, một nhà đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ, được coi là một vị thánh, đã nói: “Tôi ngưỡng mộ Kitô giáo và Đức Giêsu, bởi Ngài dậy điều con người không làm nổi, Người đã đưa ra điều cao thượng để con người cố mà vươn lên, Ngài đã làm gương trước cho chúng ta, đó là viên kim cương châu báu mà không tôn giáo nào kiếm được: “yêu kẻ thù”.
Trong năm nay, Xin các bậc làm cha mẹ và GĐPTTTCS chúng ta cố gắng nhìn gương Chúa Giêsu để chúng ta hân hoan sống. Mỗi lần vào nhà thờ, cứ nhìn thánh giá Chúa một lúc, khi nào mỏi mắt thì thôi, để thấy đó là dấu chỉ của tình yêu tha thứ, dấu chỉ của tình yêu cho đến cùng, Chúa đã bỏ tất cả vì chúng ta, đó chính là đạo của chúng ta, đạo của tình yêu.
Ngược lại, Chúng ta mặc quá nhiều, nghĩa là thu vén quá nhiều, trên thân xác của chúng ta bị đè nặng bởi mọi thứ, nên chúng ta không thoát ra để lo cho người khác được. Chúa nói: Muốn vào Nước Trời phải đi qua cửa hẹp. Đó là cửa ai cũng có thể đi qua, khi trên người không mang cái gì thì đi qua thấy rộng rãi, khi mang nhiều thứ trên vai, sẽ bị chính những thứ đó cản trở không đi vào được.
Xin Chúa cho chúng ta nhìn gương của Chúa Giêsu để sống. Chúng ta thấy Ngài đã bị lột tất cả để cho chúng ta được sống, và sống với tình yêu ấy, xin Chúa cho chúng ta không lo thu vén cho mình.
Qua đó, Cha mời gọi: Là thành viên GĐPTTTCS, chúng ta không thu vén cho mình, mà chúng ta cố gắng chăm lo cho gia đình, anh chị em, người thương yêu chung quanh chúng ta. Khi chăm lo như vậy, chúng ta trở thành người môn đệ của Chúa. Tân Phúc âm hoá gia đình lúc này đây chính là mỗi thành viên GĐPTTTCS trở nên giống Chúa Giêsu.
Cha kết luận: Tân Phúc âm hoá gia đình của GĐPTTTCS là từng  thành viên chúng ta cương quyết nên giống Chúa Giêsu trong đời sống gia đình.
Sau bài chia sẻ của Cha Vinh Sơn là chầu Thánh Thể cách trọng thể và kết thúc vào lúc 10 giờ 00 cùng ngày.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GĐPTTTCG TGP sinh hoạt thường kỳ tháng 07-2019

Sinh hoạt BCH GĐPTTTCG TGP TPHCM

Sinh hoạt BCH GĐPTTTCG Việt Nam (24-10-2018)